TT - Chỉ có cách mạng sự học của bản thân mới có thể hình thành con người văn hóa, từ đó góp phần kiến tạo một xã hội văn hóa, văn minh. Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung, viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED), khẳng định.
* Xin cho biết suy nghĩ, cảm xúc của ông trước hàng loạt “lỗ thủng” về văn hóa - đạo đức hiện nay?
- Rất buồn nhưng không hề sốc vì đã có dự cảm trước. Những chuyện như vậy sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra bởi lẽ nó là hệ quả văn hóa - giáo dục của cả một quá trình dài.
* Ông có thể mổ xẻ thêm về nguyên nhân?
- Để có một xã hội tốt đẹp thì cần những đơn vị văn hóa tốt đẹp. Đơn vị thấp nhất là văn hóa cá nhân, tiếp đó là văn hóa gia đình (gia đạo), văn hóa làng xã, văn hóa họ tộc, văn hóa tổ chức, văn hóa quốc gia/dân tộc và cuối cùng là văn hóa toàn cầu/nhân loại.
Vấn đề của văn hóa VN hiện nay là các thang giá trị bị đảo lộn, lại chưa chia sẻ được nhiều những giá trị phổ quát của thế giới, nhất là trong những vấn đề quan trọng; văn hóa làng xã, họ tộc đang bị mai một dần; gia đạo thì bị chao đảo trong “cơn lốc” hội nhập; còn văn hóa cá nhân thì rất đáng báo động. Từ đó văn hóa chung của cả xã hội mới như vậy.
* “Văn hóa cá nhân rất đáng báo động”, ông có thể nói rõ hơn?
- Một cách chung chung, văn hóa là thứ để phân biệt con người với những con khác. Còn văn hóa cá nhân là những giá trị làm nên chính mình, là những thứ mà vì nó và để bảo vệ nó người ta sẵn lòng hi sinh mọi thứ khác (nếu không giữ được những giá trị đó thì mình sẽ không còn là mình nữa). Chẳng hạn, để có lương và việc làm, một thầy giáo đã phải thỏa hiệp, nhưng thỏa hiệp đến mức luôn phải giảng cho học trò những điều mà chính bản thân mình cũng không tin thì mình có còn là mình nữa không!?
Nếu không có cái “chính mình” này thì con người ta thường hành động rất bản năng và có xu hướng đạt được điều mình muốn bằng mọi giá, mọi cách, bất kể cách đó là chính đạo hay tà đạo. Như vậy, chỉ khi hiểu đúng về văn hóa thì người ta mới nghĩ đến việc “tìm ra chính mình” và “làm ra chính mình”. Chỉ khi có “chính mình” thì người ta mới quan tâm đến những thứ đại loại như phẩm giá hay danh dự của bản thân. Và cũng chỉ khi có cái “chính mình” này thì mới sợ đánh mất chính mình và sợ phản bội chính mình.
Nền giáo dục của ta hình như chưa thật sự chú trọng đến cái “chính mình” của mỗi người, nên văn hóa cá nhân là vấn đề đáng báo động hiện nay thì cũng không phải là chuyện lạ. Người trẻ luôn muốn được tự do, điều này là đúng và tốt, nhưng nếu tự do mà chưa có cái “chính mình” này thì đó sẽ là thứ tự do hoang dã, không phải thứ tự do của người có văn hóa.
* Vậy giải pháp là gì, thưa ông?
- Chìa khóa quan trọng nhất để canh tân văn hóa vẫn phải là giáo dục, trong đó điều cốt tử nhất là xác định đích đến của giáo dục phải là con người văn hóa, con người khai phóng, con người có “chính mình”. Con người văn hóa sẽ kiến tạo gia đình văn hóa, tổ chức văn hóa, xã hội văn hóa. Từ đó những “lỗ thủng” trong văn hóa, đạo đức tự khắc sẽ được bịt kín.
Chúng ta đang tiến hành “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”. Tôi cho rằng “đổi mới” thì có nhưng “căn bản và toàn diện” thì chưa, bởi vì bất cứ một sự đổi mới nào đều đòi hỏi thay đổi cả bốn yếu tố: tư tưởng, mục đích, nội dung và phương pháp. Tôi chưa thấy hai cái đầu (tư tưởng giáo dục và mục đích giáo dục) thay đổi gì mấy, trong khi chúng lại có ý nghĩa quyết định đối với sự đổi mới. Nếu chỉ thay đổi nội dung và phương pháp thì kết quả đạt được cao nhất sẽ là giúp người học, gia đình, nhà giáo, nhà trường và Nhà nước đỡ khổ hơn mà thôi. Tất nhiên, nếu đạt được kết quả này cũng là điều đáng quý.
Như vậy, trong khi chưa thể trông chờ vào một cuộc cách mạng giáo dục thì mỗi cá nhân (người học, người dạy, người quản lý...) cần phải đổi mới, phải làm cách mạng bản thân: tìm ra chính mình ở hiện tại, hình dung ra chính mình trong tương lai và biết cách làm ra chính mình. Xưa ông cha ta đi làm cách mạng dân tộc để cứu nước, còn nay mỗi người cần làm cách mạng bản thân để cứu mình. Tôi cho rằng cứu được mình cũng là cứu nước.
Cách mạng bản thân là cuộc cách mạng “của mình, do mình và vì mình”, không cần hô hào ai, xin phép ai, cũng không đầu rơi, máu đổ nên bất cứ ai muốn thì cũng đều có thể “phất cờ dựng nghĩa”. Và để làm “cách mạng bản thân” thì cần khởi đầu bằng “cách mạng sự học” với tinh thần: “Thực học để khai minh chứ không phải hư học để lấy bằng” và “Ta là sản phẩm của chính mình”.
Văn hóa vừa là chân thắng, vừa là chân ga Nhà văn Nguyên Ngọc có lần chia sẻ ý kiến của một học giả người Philippines rằng “kinh tế là chân ga, còn văn hóa là chân thắng”. Tôi rất thích hình tượng này khi nhìn nhận vấn đề ở tầm vĩ mô, nhưng về mặt từng cá nhân thì tôi nghĩ hơi khác một chút, đó là “văn hóa vừa là chân ga để đẩy ta vượt qua đèo cao, lại vừa là chân thắng để kéo ta không rơi xuống vực sâu”. Lý tưởng sống và giá trị sống là động lực lớn lao giúp ta vượt qua bao khó khăn, bầm giập của cuộc sống để làm nên những thành tựu, đồng thời cũng là thứ ngăn ta, buộc ta phải dừng lại để tránh đánh mất chính mình, phản bội chính mình. Giản Tư Trung |
Thực hiện: Nhật Huy
Theo Giản Tư Trung / Báo Tuổi Trẻ